Câu hỏi: Gần đây tôi thấy trên thị trường có một số bên dùng nhãn hiệu gần giống với nhãn hiệu sản phẩm của tôi. Như tôi được biết, thương hiệu sản phẩm của tôi ngày đầu mới kinh doanh không đơn vị nào có sản phẩm tương tự. Vậy giờ tôi muốn được bảo hộ nhãn hiệu của tôi để tránh bên khác làm tương tự gây ảnh hưởng uy tín, tôi phải làm như thế nào ?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi, chúng tôi xin được giải đáp như sau.
——————————
Trước hết cần phân biệt nhãn hiệu với thương hiệu. Nội dung này, chúng tôi đã có bài viết rất chi tiết, bạn có thể tham khảo tại trang web này tên bài viết: Nhãn hiệu và thương hiệu có khác nhau không ?
——————————
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chúng tôi thực hiện theo các bước:
1. Chọn nhãn hiệu và sản phẩm mang nhãn hiệu
– Chọn mẫu nhãn hiệu: Bạn gửi mẫu nhãn hiệu muốn đăng ký.
– Chọn sản phẩm mang nhãn hiệu: Bạn lên danh mục sản phẩm dự định gắn nhãn hiệu. Chúng tôi tiến hành phân loại sản phẩm theo Bảng phân loại quốc tế Ni-xơ về nhãn hiệu.
2. Tra cứu nhãn hiệu
Mục đích để đánh giá nhãn hiệu có khả năng được cấp văn bằng không. Có hai hình thức tra cứu:
– Tra cứu sơ bộ: Bằng nghiệp vụ chúng tôi tra cứu và căn cứ quy định để đưa ra khả năng bảo hộ nhãn hiệu. Đưa ra các nhãn hiệu đối chứng nếu có và hướng dẫn bạn tìm giải pháp cho nhãn hiệu để có khả năng bảo hộ.
Sau tra cứu sơ bộ, nếu nhãn hiệu có khả năng bảo hộ, tiến hành tra cứu chuyên sâu có mất phí.
– Tra cứu chuyên sâu: Theo yêu cầu tự nguyện của chủ đơn mà không bắt buộc. Tuy nhiên đây là bước quan trọng, nên thực hiện để có đánh giá cao nhất nhãn hiệu có khả năng đăng ký không. Để biết mình có nên nộp đơn không nhằm hạn chế tối đa việc tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức gây dựng thương hiệu sau này.
Sau tra cứu chuyên sâu, có bản thông báo kết quả tra cứu và tư vấn, hướng dẫn giải pháp hoặc tiến hành thủ tục đăng ký nhãn hiệu nếu nhãn được đánh giá có khả năng bảo hộ.
Lưu ý: Tra cứu để tăng khả năng xác định nhãn hiệu được bảo hộ thành công không mà không mang tính tuyệt đối.
3. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
– Soạn thảo tờ khai đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
– Mẫu nhãn hiệu: Được in màu theo đúng mẫu nhãn thiết kế.
– Giấy ủy quyền thực hiện hồ sơ.
– Các tài liệu liên quan khác nếu có: Ví dụ như nhãn có dấu hiệu đặc biết khi đánh giá cần tài liệu chứng minh quyền sử dụng. Hoặc khi đăng ký nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận cần quy chế sử dụng, bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc thù, bản đồ xác định lãnh thổ nếu nhãn đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm
4. Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
– Đơn đăng ký có thể nộp tại một trong ba cơ sở: Cục sở hữu trí tuệ Hà Nội, văn phòng đại diện của Cục tại Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng.
– Nên tiến hành sớm nhất có thể để hưởng quyền ưu tiên nộp đơn trước.
– Ngay khi nộp đơn đăng ký phải nộp lệ phí nộp đơn theo quy định để được tiếp nhận.
– Cơ quan tiếp nhận sẽ đóng dấu ghi nhận ngày tiếp nhận, Số đơn trực tiếp vào tờ khai trong hồ sơ nộp gửi cho đơn vị giữ để theo dõi, 01 tờ khai còn lại Cục thu để giải quyết hồ sơ theo thủ tục.
5. Thẩm định hình thức đơn
– Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đơn để kết ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ hoặc thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.
Thông thường đánh giá thông tin: hình thức đơn, mẫu nhãn, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân nhóm sản phẩm,…
– Trường hợp đơn hợp lệ, Cục ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
– Trường hợp đơn không hợp lệ, ra thông báo dự định từ chối và ấn định thời gian 02 tháng để chủ đơn khắc phục. Chủ đơn khắc phục bổ sung theo thông báo và nộp lệ phí cho nội dung bổ sung nếu có như việc phân loại sản phẩm.
– Thời hạn thẩm định hình thức đơn: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
6. Công bố đơn
– Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp.
– Thời hạn công bố đơn: 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
7. Thẩm định nội dung đơn
– Cục sở hữu trí tuệ đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ quy định. Nhằm xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
– Nếu đơn đáp ứng điều kiện, Cục ra thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và yêu cầu nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
– Nếu đơn không đáp ứng điều kiện bảo hộ, ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Chủ đơn có quyền gửi giải trình để đưa ra căn cứ để cấp văn bằng. Trường hợp Cục vẫn từ chối, nếu chủ đơn thấy chưa thỏa đáng có thể thực hiện thủ tục khiếu nại quyết định từ chối để được xem xét giải quyết.
– Thời hạn thẩm định nội dung đơn: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
8. Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ
– Sau khi nhận được thôn báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và yêu cầu nộp lệ phí, chủ đơn nộp đủ và đúng hạn theo thông báo.
– Lệ phí có thể nộp qua chuyển khoản vào tài khoản của Cục sở hữu trí tuệ, ghi rõ nội dung cấp văn bằng.
9. Cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu)
– Sau khi chủ đơn nộp đủ và đúng hạn lệ phí cấp văn bằng. Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ trong khoảng thời gian 2-3 tháng kể từ ngày đóng lệ phí.
Như vậy, có thể thấy thời gian đăng ký nhãn hiệu thường 12- 18 tháng. Giấy đăng ký nhãn hiệu có hạn 10 năm, có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm tiếp. Nhãn hiệu được xem là tài sản xuyên suốt quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc đăng ký cũng rất lâu qua các quá trình thẩm định chặt chẽ về chuyên môn.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi của bạn. Nếu có vướng mắc có thể liên hệ chúng tôi hỗ trợ được hiệu quả nhất.
Trân trọng cảm ơn bạn !
Chúng tôi giúp Bạn xử lý nhanh gọn, chính xác, tối ưu và đảm bảo pháp lý.
Luật 3C – Cộng sự pháp lý, Kiến tạo thành công !