Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của hộ kinh doanh theo quy định của các luật thuế (Luật quản lý thuế năm 2019).
Các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp gồm:
– Lệ phí môn bài hoặc gọi là thuế môn bài.
– Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
– Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Ngoài ra có thể nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên,… phụ thuộc vào hàng hóa kinh doanh có thuộc đối tượng chịu thuế của các quy định riêng này.
(Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
1. Lệ phí môn bài/thuế môn bài
Căn cứ Nghị định 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016; Thông tư 65/2020/TT-BTC ngày 09/07/2020 của BTC thì mức lệ phí môn bài căn cứ vào doanh thu của hộ kinh doanh gồm:
Doanh thu trên 500 triệu đồng/năm | 1.000.000 đồng/năm |
Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm | 500.000 đồng/năm |
Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm | 300.000 đồng/năm |
Doanh thu từ 100 triệu trở xuống/năm | Miễn lệ phí môn bài |
Hộ kinh doanh mới thành lập sau ngày 25/02/2020 | Miễn năm đầu thành lập |
Địa điểm kinh doanh nếu có của hộ kinh doanh cũng được miễn lệ phí môn bài trong thời gian hộ kinh doanh được miễn. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện kê khai tờ khai. (Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của CP liên quan nội dung miễn lệ phí môn bài năm đầu thành lập). |
– Ngoài ra, cũng theo điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP thì miễn lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình: hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định; sản xuất muối; nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và hậu cần nghề cá
2. Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
– Căn cứ khoản 2 điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021, nếu doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống: không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
– Doanh thu trên 100 triệu/năm trở lên thuộc đối tượng nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
3. Cách tính thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, hộ kinh doanh tính thuế như sau:
– Căn cứ tính thuế: Dựa doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
– Doanh thu tính thuế:
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu:
+ Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề có bẳng tỷ lệ cụ thể dưới bài viết này.
+ Trường hợp hộ kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.
+ Trường hợp hộ kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
– Xác định số thuế phải nộp:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT |
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN |
+ Tỷ lệ thuế được xác định theo từng lĩnh vực ngành, nghề ghi nhận tại phụ lục I Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
+ Trường hợp HKD nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì:
Doanh thu tính thuế = Doanh thu khoán + Doanh thu trên hóa đơn.
+ Trường hợp HKD nộp thuế khoán không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì:
Doanh thu tính thuế = Doanh thu khoán.
4. Các phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh
Căn cứ Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 hiểu rằng có 03 hình thức tính thuế.
– Phương pháp khoán:
+ Áp dụng với hộ kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh nếu dưới đây. Phần lớn hình thức tính thuế này được các hộ kinh doanh lựa chọn bởi sự đơn giản trong kê khai nộp thuế phù hợp với quy mô hộ kinh doanh, không đòi hỏi nghiệp vụ kế toán quản lý phức tạp.
+ Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán. Hộ khoán nếu có sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, hoạt động kinh doanh hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
+ Thực tế cho thấy, mức thuế khoán được án định hoặc cơ quan thuế chấp nhận cho hộ kinh doanh khi xác định doanh thu có thể dựa trên ngành, nghề kinh doanh, mặt bằng chung thị trường, vị trí kinh doanh, quy mô kinh doanh.
+ Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán chậm nhất là ngày 15 tháng 12 năm trước liền kề năm tính thuế.
- Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh (bao gồm hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán), hoặc hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai, hoặc hộ khoán thay đổi ngành nghề, hoặc hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, hoặc chuyển đổi phương pháp tính thuế, hoặc thay đổi ngành nghề, hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn
– Phương pháp kê khai:
+ Áp dụng đối với hộ kinh doanh quy mô lớn hoặc tuy chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
+ Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
+ Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế về trường hợp người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế.
+ Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.
– Phương pháp theo từng lần phát sinh:
+ Áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Kinh doanh không thường xuyên được xác định tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh. Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi hoặc địa điểm tương tự khác.
+ Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh bao gồm: Cá nhân kinh doanh lưu động; Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân; Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”; Cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
+ Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, hoạt động kinh doanh hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.
+ Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.
Hộ kinh doanh quy mô lớn là như thế nào? Là hộ kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ trở lên (Theo nội dung 17 cẩm nang về hóa đơn điện tử số 2 của Cục thuế TP HCM). Cụ thể như sau:
– Hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên.
– Hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên.
Cộng sự Luật 3C chuyên tư vấn, đồng hành với cá nhân, hộ kinh doanh và tháo gỡ các vấn đề pháp lý khách hàng gặp phải trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
Hotline / Zalo: 0866 103 056
Chúng tôi giúp Bạn xử lý nhanh gọn, chính xác, tối ưu và đảm bảo pháp lý.
Luật 3C – Cộng sự pháp lý, Kiến tạo thành công !